Tin Tức Mới
TÔI MANG AN YÊN VỀ ĐÓN TẾT
06/01/2023 8:29:58 SA
Đóng chặt hành lý khép lại năm cũ, bạn mang gì về quê đón Tết? Về phía mình, tôi chọn an yên
- Bố mẹ ơi, Tết cần gì bảo con mang về nhé!
- Đừng mua gì cho tốn kém con ơi, chỉ mong con về là Tết nhà an vui
Năm nào cũng thế, cuộc đối thoại câu được câu chăng những ngày giáp Tết của gia đình tôi thường kết thúc bằng mua gì, mang gì về nhà. Thông thường, bố mẹ chẳng cần tôi phải bận tâm sắm sửa, nhưng đứa con xa quê luôn mong muốn mang thật nhiều, chất đầy vali mọi niềm thương, nỗi nhớ gia đình trong những món quà mang về nhà ngày Tết.
28 tháng Chạp, trời trong và dòng người lũ lượt nối đuôi nhau túa ra những con đường quốc lộ ra khỏi địa bàn thành phố. Năm nay, tôi về Tết muộn vì lịch công tác dày. Nhìn thành phố hoa lệ đã ngập tràn sắc hoa, tôi nôn nao mong chờ đến lượt mình tạm biệt Sài thành để về với ngôi nhà nhỏ cạnh mương nước quê hương.
Bao năm như một, thời gian soạn hành lý về nhà luôn là lúc tôi háo hức nhất trong những ngày cận Tết. Cẩn thận kiểm đếm mọi quần áo, đồ đạc và quà cáp, tôi muốn chắc chắn mọi tâm ý của mình không bị bỏ lại cô đơn ở thành phố. Đó là bộ thực phẩm chức năng cho sức khỏe của ông bà, 3 tấm vé du lịch Tết cho gia đình và bản thân, cùng một hộp “An” với mong cầu mọi sự êm đềm, thuận lợi trong năm mới.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó nếu mỗi năm về quê một lần, thì 10 năm là một khoảng thời gian rất dài, nhưng cũng chỉ chục lần ông bà có cơ hội gặp mặt những đứa cháu ở xa. Đó cũng là lúc tôi nhận ra sự cô đơn của người lớn tuổi khi chúng tôi đã đủ lông đủ cánh bay xa ở những miền đất mới, và cơ hội hữu hạn đến thế nào trong những dịp đầu năm được thủ thỉ chuyện trò cùng ông bà.
Luật bất thành văn của gia đình tôi là bữa cơm tất niên không được thiếu vắng bất kỳ thành viên nào. Dọn dẹp xong xuôi, cả nhà cùng quây quần xem Táo Quân với giọng cười hỉ hả vang vang, cảnh Tết mọi năm như một song không bao giờ nhàm chán. Gác lại mọi mệt mỏi, bộn bề sau cánh cửa, gia đình trong những ngày Tết là nơi chốn bình yên nhất mà ai cũng muốn quay về.
Tết cũng là cơ hội để con cháu có nhiều thời gian chăm sóc ông bà hơn. Năm mới, tôi mong ông bà an khang để tiếp tục đón con cháu sum vầy bằng món quà sức khỏe. Dẫu vẫn càm ràm con đừng mua nữa tốn kém biết bao, nhưng tôi biết ông bà cũng mong có thêm nhiều lần đón đàn cháu đi xa trở về cùng những hỏi han ân cần và nét cười trong ánh mắt.
Khác với mọi người, từ bé tôi đã không quá thích mùng 1, 2 hay 3... Tôi mong chờ những ngày chuẩn bị của 28, 29 tháng Chạp và thèm thuồng không khí tất bật, náo nhiệt của gia đình khi cùng nhau làm việc.
Lúc bé, tôi hay thắc mắc mỗi lần phải lau bộ bàn ghế gỗ hình long phượng trong nhà: “Vì sao con phải làm cái này, lau xong bố cho con ra chơi với các bạn nhé". Tôi chủ yếu chỉ muốn kiếm cớ và vòi vĩnh để được chạy ra ngoài chơi. Những lúc như vậy, bố cũng không ép mà chỉ phết mồ hôi và bảo: "Những lúc như này mới thật sự là Tết của nhà mình, sang mùng rồi là Tết người ta".
Bố mẹ tôi làm công chức, nên mỗi năm chỉ có đúng vài ngày cận Tết ngắn ngủi để dọn dẹp, sắm sửa mọi thứ cho mùa Tết mới. Ấy vậy mà sự tất bật đó khiến gia đình tôi rộn ràng và rôm rả hơn bao giờ hết, như thể Tết phải đợi đến 28, 29 mới thật sự gõ cửa.
Lớn lên một chút, tôi đã hiểu những gì bố bảo nhưng dường như ít còn mặn mà chờ Tết như hồi trẻ thơ. Phần vì quá nhiều thứ phải lo lắng chuẩn bị, phần vì mấy ngày đầu năm cứ bận bịu cho những mối quan hệ xã giao chứ ít có thời gian dành cho bản thân hay gia đình. Tôi hy vọng Tết là dịp của sự đoàn viên và tận hưởng, chứ không phải loay hoay trong tiệc tùng hay mệt mỏi vì khách khứa, dọn dẹp. Đó cũng là lý do tôi quyết tâm mang món quà Tết đặc biệt về nhà trong năm nay: Combo vé du xuân gia đình.
Tôi tin rằng Tết là lúc để bố mẹ và bản thân được thư giãn, tận hưởng sau một năm dài vất vả. Không ở nhà đón Tết nữa, riêng năm nay tôi mang “nhà” đi hưởng Tết. Gói ghém mọi nhiệm vụ đón khách, thăm nom họ hàng trong ngày đầu năm, sáng mùng 2, tôi sẽ đưa bố mẹ đi du xuân. Mái ấm trong lòng tôi không một địa điểm, mà là nơi ta cảm thấy mình thuộc về. Chỉ cần cùng nhau, dù ở đâu tôi vẫn cảm nhận trọn vẹn chữ “nhà”.
Những ngày giáp Tết, sao lòng tôi vẫn chưa yên. Có lẽ do vẫn chưa đặt chân đến cổng nhà, để thấy vị Tết đong đầy như thuở nhỏ. Tôi nhớ mãi ký ức của ngày thơ bé, của những trông ngóng, chờ mong mỗi dịp Tết về để nhận lì xì, để chơi cùng anh chị em họ phải cả năm mới gặp mặt vài lần, hay xin mẹ rất lâu để được mấy viên chocolate đồng tiền đem khoe với lũ trẻ con khắp xóm. Tết trong đôi mắt trẻ thơ có lẽ đơn giản chỉ là bánh trái, không phải làm bài tập về nhà, cùng những người họ hàng xa với phong lì xì đỏ thắm và câu chúc bình an bên mâm cúng giao thừa.
Tết trong tôi còn có “An” - hộp bánh mỗi dịp xuân về mẹ đều trữ sẵn để thết đãi khách khứa, họ hàng ghé thăm. Lũ trẻ con nào chẳng mê chút vị ngọt ngào của hộp bánh bích quy. Còn với người lớn, “An” âm thầm bày trên bàn tiệc, góp phần gợi mở câu chuyện đầu năm và những hỏi han ân tình về một năm cũ đã qua. Trong khoảnh khắc cả gia đình cùng quây quần bên nhau nhâm nhi tách trà nóng giữa tiết trời se lạnh, trong tiếng pháo rộn ràng của chương trình TV chiếu Tết, hộp quà “An” như mang bình yên và thanh thản đến với mọi người đúng như tên gọi của mình.
Và chẳng biết tự bao giờ, tôi cũng tự tạo thành thói quen ghi nhớ bỏ một hộp “An” vào hành lý mang về nhà ngày Tết. Với tôi, “An” không chỉ là món quà biếu quen thuộc, mà còn là lời chúc và cầu mong cho một năm mới bình yên, mọi chuyện hanh thông, gia đạo êm ấm. Có “An” sẽ được bình an, rồi có “Tài” có “Lộc”, ấm áp đủ đầy, vạn sự như ý.
Có lẽ trong tâm thức của người Việt, Tết an lành chẳng phải điều gì quá cao xa: Đó là nụ cười mãn nguyện của ông bà khi con cháu về đoàn tụ; là bình thản bỏ lại những biến cố đã qua trong năm cũ, sẵn sàng đón nhận điềm lành của năm mới; hay đơn giản là về với chốn bình yên, thưởng thức vị cơm nhà và những món ngon quen thuộc của người thân thương.
Với tôi, “an” là nhìn thấy ông bà khỏe mạnh, bố mẹ đủ đầy và bản thân được trở lại niềm vui giản đơn của ngày Tết thơ ấu. Năm mới gần kề, bạn chọn gói ghém hành trang thế nào để cùng về nhà đón Tết an yên?