Doanh nghiệp Orion đầu tư công nghệ cho bao bì thân thiện môi trường

1/5/2022 11:13:58 AM

Orion dùng công nghệ in thân thiện môi trường, chuyển sang bao bì tái chế hoặc tự phân hủy... giúp nhiều doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu bền vững.

Công ty bánh kẹo Orion Việt Nam lần đầu ra mắt mẫu "Bao bì hiền lành" trên 2 dòng bánh chủ lực Custas, Goute. Vẫn là loại bao bì giấy và thiết kế quen thuộc của thương hiệu, song hãng giảm số lượng màu mực so với trước đó.

Đại diện Orion Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được khoảng 217 tấn mực mỗi năm bằng cách giảm số lượng in trên vật liệu đóng gói cho Custas, Goute. Hai dòng sản phẩm được gắn nhãn "Bao bì hiền lành" này cũng đã bắt đầu có mặt tại thị trường vào tháng 9 năm nay. Những năm gần đây, Orion đã nhìn rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững kinh doanh. Với chương trình "Bao bì hiền lành", Orion vừa có thể giảm chi phí đầu tư vừa hướng đến môi trường.

Sáng kiến này đã được công ty mẹ Orion Hàn Quốc khởi động vào năm 2014, đóng góp nhiều trong việc hạn chế chất thải đóng gói bằng cách sử dụng mực in thân thiện, giảm số lượng màu mực in và kích thước nhiều bao bì bánh. Nhờ đó từ năm 2015, lượng mực sử dụng cho các thiết kế bao bì đã giảm 88 tấn. Năm 2018, 12 bao bì sản phẩm của hãng được Bộ Môi trường Hàn Quốc cấp chứng nhận xanh trong ngành bánh kẹo. Đến nay, 32 nhãn hiệu đã thay đổi kích thước bao bì nhỏ gọn, tiện lợi hơn, hạn chế chất thải.

Orion giảm khoảng 117 tấn mực in trên 194 triệu gói bánh Custas bán ra mỗi năm.

Tại Việt Nam, Orion giảm số lượng màu mực nên số lượng ống đồng sử dụng để in từ 6 màu xuống còn 3 màu, giảm được 3 ống đồng. Giảm diện tích in phủ mực nên giảm được hơn 100 tấn mực mỗi năm.

Trên mẫu bao bì này tại thị trường Việt Nam có ghi thông tin tăng nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề môi trường. Bởi theo đại diện Orion Việt Nam, khi lần đầu thấy bao bì giảm màu người dùng có thể chưa quen vì trước đó các bao bì sản phẩm vốn rực rỡ và bắt mắt. Tuy nhiên về lâu dài, Orion kỳ vọng tác động vào nhận thức để người dùng hiểu, sau đó sẽ lựa chọn sản phẩm. Bước đi này tuy nhỏ nhưng khi mỗi chiếc bánh được tiêu thụ sẽ từng bước tăng nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề môi trường.

"Hãng mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm xã hội mà một công ty phải thực hiện, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cần phải có trên thị trường", đại diện Orion Việt Nam nói thêm.

Bao bì bên trong gói bánh Goute trước và sau khi áp dụng chương trình "Bao bì hiền lành"

Orion là một trong nhiều ông lớn ngành hàng F&B kiên trì đẩy mạnh sử dụng bao bì thân thiện. Với sản phẩm bao bì từ giấy, một số đơn vị tiến tới đơn giản hóa thiết kế, in ấn vật liệu đóng gói hoặc chọn loại giấy thân thiện môi trường. Nhờ đó bao bì giấy, vải không dệt không chỉ được dùng nhiều trong ngành thực phẩm mà còn có mặt trong thị trường mỹ phẩm.

Trong khi đó, với bao bì nhựa, không ít doanh nghiệp đầu tư cho công tác nghiên cứu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa. Những đồ nhựa dùng một lần như túi, ống hút, thìa, muỗng nhựa... dần được thay thế bằng nhựa thân thiện hoặc nguyên liệu ít ảnh hưởng đến môi trường hơn.

Trên thế giới đồ nhựa dùng một lần bị cấm hoặc hạn chế ở EU và nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Chile... Tại Đức, nơi có tỷ lệ tái chế cao trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất thải bao bì, ban hành Luật bao bì sản phẩm vào năm 2019. Hàn Quốc cấm sản xuất sản phẩm đựng trong chai nhựa màu từ năm ngoái, cắt giảm chất thải nhằm nâng tỷ lệ tái chế... Thay vào đó, doanh nghiệp ở các nước được khuyến khích sử dụng bao bì tái chế hoặc tự phân hủy có nguồn gốc từ thiên nhiên như bã mía, bột gạo, tre...

Tại Việt Nam, theo dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020, các nhà sản xuất tại phải cam kết tỷ lệ tái chế tối thiểu để không gây ô nhiễm. Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa là một trong những nội dung được chính phủ phê duyệt trong đề án gần đây. Đề án hướng tới đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy.

Hiện một số siêu thị Big C, Co.op Mart, Aeon Mall... từng bước chuyển sang dùng túi tự hủy. Nhiều người đi chợ truyền thống được khuyến khích mang theo giỏ đựng để hạn chế sử dụng túi nilon. Các chuỗi cafe dùng túi sinh học thay cho túi nilon dùng một lần.

"Mấy năm nay tôi có thói quen mang giỏ đi chợ hoặc túi tự phân hủy khi đi siêu thị nhằm hạn chế túi nilon. Nếu mỗi người dân đều giữ thói quen này cũng là cách đồng hành cùng các doanh nghiệp giảm thiểu rác thải nhựa, nilon khó tiêu hủy ra thị trường", chị Thanh Hoa (quận 7, TP HCM) chia sẻ.

Ngọc An

#Orion #Custas